Nghị luận xã hội || Khiêm tốn và giản dị

Ngày 26/05/2023 11:14:26, lượt xem: 7197

 

Đề bài: Ph Ăngghen cho rằng: "Trang bị quý nhất của một người là khiêm tốn và giản dị". Viết bài văn ngắn trình bày suy nghĩ của em về ý kiến trên.


---------------------------------


Bài làm
Tôi từng nghe một câu nói: “Phẩm giá con người là những viên đá quý, viên đá đó còn lấp lánh đẹp đẽ hơn nếu được lồng vào cái giá khiêm tốn” để khẳng định vai trò, giá trị của lòng khiêm tốn đối với cuộc sống của con người. Đúng vậy, khiêm tốn không đơn thuần là đức tính mà còn để giáo dục thái độ sống, một nghệ thuật về cách đối nhân xử thế trên đường đời. Như Ăngghen đã cho rằng: “Trang bị quý nhất của một người là sống khiêm tốn và giản dị”. Vậy khiêm tốn và giản dị được hiểu như thế nào?
Khiêm tốn là thái độ đúng mức trong việc đánh giá bản thân mình, không tự mãn, tự kiêu, không tự cho mình là hơn người khác. Người có lòng khiêm tốn luôn luôn thể hiện thái độ hòa nhã, nhún nhường trong văn hóa ứng xử, và quan trọng hơn, họ luôn tỏ ra tôn trọng bản thân mình và tôn trọng người khác. Trong cuộc sống họ là những người luôn có ý thức học hỏi, luôn biết cách để lắng nghe và hoàn thiện bản thân mình nhiều hơn. Chính vì vậy mà người có lòng khiêm tốn là những người đạt được thành công trong công việc và sự nghiệp.
Giản dị là lối sống không cầu kì phô trương, không xa hoa phức tạp mà sống phù hợp với hoàn cảnh của mình, tạo ra lối sống nhẹ nhàng điềm đạm cả về thể chất lẫn tinh thần con người. Người giản dị là người không cầu kì, không kiểu cách, không thích phô trương luôn hướng tới sự hài hoà giữa mình và mọi người xung quanh. Giản dị là một trong những đức tính vô cùng đáng quý của con người, giúp con người hoàn thiện được bản thân một cách tốt nhất. Câu nói của Ph. Ăng - ghen khẳng định, đức tính giản dị và khiêm tốn là hành trang không thể thiếu và đáng quý nhất của mỗi người trong cuộc sống là đức tính khiêm tốn và giản dị.
Câu nói đã mang đến một quan niệm hoàn toàn đúng. Vì người khiêm tốn bao giờ cũng dễ hòa đồng với những người xung quanh. Bởi tâm lý chung của con người là không thích thói hung hăng, kiêu ngạo, tự phụ, chuộng những người ham học hỏi, từ tốn, điềm đạm. Khiêm tốn rất cần thiết vì sự hiểu biết của con người hữu hạn trong khi tri thức của nhân loại là vô hạn. Khi khiêm tốn con người sẽ luôn có ý thức học hỏi để ngày càng tiến bộ, hoàn thiện bản thân. Khiêm tốn không hạ thấp con người, trái lại nó nâng con người lên. Nhắc tới đức tính khiêm tốn không thể không kể đến vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc đó chính là Bác Hồ- tấm gương sáng cho bao thế hệ. Suốt cuộc đời mình Bác luôn giữ cho mình một lối sống giản dị, thanh bạch. Dù trên cương vị là một vị chủ tịch nhưng Bác vẫn ở trong ngôi nhà đơn sơ sử dụng đồ dùng giản dị, vẫn nuôi cá, trồng rau, trồng hoa như thú vui đời thường như mọi người bình thường khác. Phong cách sống của Bác rất đỗi bình dị và chuẩn mực, Bác thân thiện với mọi người không bao giờ lấy sự uy quyền để đề cao bản thân, phô trương tài năng, tri thức lãnh đạo của mình mà xem thường người khác. Bác chưa bao giờ tự nhận mình là một nhà văn, nhà thơ mà chỉ nhận mình là một nhà báo, cầm bút lên để chiến đấu vì độc lập dân tộc. Phong cách sống của Bác cũng rất đẹp và đúng mực, không bao giờ khoe tài, khoe giỏi, khoe đẹp trước mọi người. Chính vì đức tính này đã góp phần tạo nên một vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.

 

ĐỌC THÊM: LÒNG YÊU NƯỚC Ở THẾ KỈ XXI


Giản dị vốn là một đức tính cao đẹp của dân tộc ta. Không những thế, nó còn là lối sống lành mạnh, được nhân dân thực hành từ bao đời nay. Sống giản dị góp phần tiết kiệm được của cải, vật chất cho bản thân và xã hội, góp phần thúc đẩy xã hội phát triển. Người có giản dị luôn tìm được niềm vui và hạnh phúc. Cuộc sống đối với họ lúc nào cũng đầy ý nghĩa. Bởi thế, họ là người lạc quan, yêu đời và sáng suốt. Người có đức tính giản dị luôn được mọi người yêu thương, kính trọng và giúp đỡ. Từ đức tính giản dị hình thành nên lối sống giản dị ở họ. Không gian sống của người giản dị thường đơn sơ, mộc mạc, không cầu kì, kiểu cách. Nó luôn tạo nên nét thanh bình và thân thiện với thế giới xung quanh. Sự giản dị không ở đâu xa, khi ta được chiêm ngưỡng căn phòng làm việc hằng ngày của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhìn qua tuyệt nhiên không thấy tranh tượng hay những bộ bàn ghế xa hoa. Còn nếu để ý kỹ hơn sẽ thấy căn phòng có cả chỗ bong tróc sơn. Với nhiều người, họ sẽ càng bất ngờ hơn khi thấy phòng làm việc của Tổng Bí thư thực sự đơn sơ, giản dị đến mức không thể giản dị hơn. Đó chắc chắn sẽ là nguồn cảm hứng cho những người dân luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, càng tin yêu Đảng.
Khiêm tốn trái với kiêu căng, tự mãn, khiêm tốn là có ý thức và thái độ đúng mực trong việc đánh giá bản thân, những việc mình đã làm. Tính kiêu căng và tự mãn còn bắt nguồn từ một số người tuy có năng lực hoặc có được một thành tựu nhỏ cho bản thân mình thì lại khoe khoang, cho mình hơn người, không ai có thể bằng mình, từ đó dẫn đến chủ quan và thất bại trong cuộc sống. Khiêm tốn không đồng nghĩa với tự ti, bởi tự ti là tự hạ thấp giá trị của mình, đánh mất niềm tin vào bản thân. Bên cạnh đó, sống giản dị không đồng nghĩa với xuềnh xoàng, xuềnh xoàng là thiếu sự chăm sóc bản thân và thiếu tôn trọng người khác. Những người như thế cần phải lên án, phê phán kịch liệt. Câu nói của Ph.Ăngghen ngắn gọn và gợi nhiều suy nghĩ cho người đọc. Nó giúp con người nhận thức được rằng: để hạn chế những vấp ngã, thất bại, con người cần phải rèn luyện cho mình những phẩm chất cần thiết, trong đó có đức tính khiêm tốn và giản dị.
Trên hành trình chúng ta đang đi vẫn còn rất nhiều khó khăn và thử thách đang chờ đợi. Ngay từ bây giờ chúng ta hãy sống và hướng đến những điều tốt đẹp, rèn luyện cho bản thân tính khiêm tốn, giản dị. Không một ai là hoàn hảo nhưng khi ta biết cố gắng vươn lên phía trước, ắt sẽ nhận được thành quả xứng đáng.

 

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
Facebook Học Văn Chị Hiên THCS
Youtube Học Văn Chị Hiên

Instagram Học Văn Chị Hiên
Tiktok Học Văn Chị Hiên

 

Tin liên quan